Phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non là gì? Phương pháp này có ưu nhược điểm gì? Cùng tìm hiểu những điều cần lưu ý khi áp dụng vào dạy trẻ mầm non.

 

1. Phương pháp đàm thoại là gì?

Phương pháp đàm thoại là phương pháp dạy học mà giáo viên tổ chức các cuộc đối thoại giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau dựa trên hệ thống câu hỏi nhằm dẫn dắt học sinh đến các khái niệm khoa học, hoặc vận dụng vốn kiến thức của mình để tìm hiểu những vấn đề trong cuộc sống xung quanh.

2. Phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non là gì?

Bản chất của phương pháp trong dạy học mầm non là việc giáo viên khéo léo đặt câu hỏi thảo luận giữa giáo viên và trẻ hay giữa trẻ với nhau. Ví dụ về phương pháp đàm thoại ở mầm non: thầy cô có thể đưa ra các câu hỏi xung quanh cuộc sống của bé bao gồm đồ vật, các loại cây cối, động vật,...nghe câu trả lời của trẻ, đánh giá và giải thích lại. Mục đích sử dụng của phương pháp đàm thoại là giúp trẻ hiểu biết về những vấn đề mới, hình thành tư duy, củng cố thêm kiến thức cũ.

Giáo viên đàm thoại với học sinh
Giáo viên đàm thoại với học sinh để gợi mở tìm hiểu kiến thức, hình thành tư duy.

Căn cứ vào nhận thức của trẻ, phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non được chia thành:

  • Đàm thoại giải thích minh họa: Với mục đích làm sáng tỏ một khái niệm, giáo viên lần lượt đưa ra những câu hỏi kèm ví dụ minh họa giúp trẻ dễ tiếp thu và ghi nhớ. Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn khi có sự hỗ trợ của các phương tiện nghe nhìn: hình ảnh, bản đồ, video… 
  • Đàm thoại tìm tòi phát triển: Ở phương pháp dạy học này, giáo viên sẽ đưa ra hệ thống câu hỏi được sắp xếp hợp lý. Sau đó, giáo viên tổ chức trao đổi ý kiến hoặc tranh luận giữa giáo viên với trẻ hay giữa chính trẻ với nhau. Khi đó, mỗi trẻ là người tự tìm tòi, phát hiện kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
  • Đàm thoại tái hiện: Khác với các phương pháp đàm thoại khác, căn cứ vào kiến thức mà trẻ đã có, giáo viên đưa ra các câu hỏi nhằm khơi gợi lại kiến thức cũ, từ đó tìm tòi kiến thức mới, hệ thống hóa tri thức.

3. Ưu nhược điểm của phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non

3.1. Ưu điểm của phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non

  • Tạo sự thân thiết, gần gũi giữa cô và trẻ: Thông qua các hoạt động trao đổi trên lớp, trẻ sẽ tự tin bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình. Giáo viên có cơ hội trò chuyện, lắng nghe tâm tư, tình cảm của trẻ, từ đó điều chỉnh kế hoạch giảng dạy của mình.

Phương pháp đàm thoại
Phương pháp đàm thoại giúp cô và trò thân thiết hơn.

  • Tăng khả năng tư duy của trẻ: Đây là phương pháp hiệu quả để kích thích tính tò mò, hoạt động tư duy của trẻ. Bên cạnh đó, việc trả lời các câu hỏi giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ cũng như kỹ năng phát biểu trước đám đông.
  • Bồi dưỡng năng lực giảng dạy: Sau khi trẻ thảo luận, giáo viên là người đánh giá, tổng kết, đưa ra bài học giáo dục cho trẻ. Việc xây dựng các bài học áp dụng phương pháp đàm thoại giúp cô cải thiện năng lực giảng dạy, nắm bắt được nhu cầu học tập của từng trẻ.

3.2. Nhược điểm của phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non

  • Dễ làm mất thời gian, không đảm bảo tiến độ học tập: Điều này thường xảy ra ở các giáo viên thiếu kinh nghiệm giảng dạy, chưa có nghệ thuật tổ chức, kích thích trí tò mò ở trẻ. Phương pháp đàm thoại trong giảng dạy dễ khiến bài giảng trở nên lan man, đi xa mục tiêu bài học.
  • Dễ trở thành cuộc tranh luận gay gắt: Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt có tư duy và quan điểm khác nhau. Nếu giáo viên không biết cách điều phối, hòa giải, cuộc tranh luận dễ dàng trở thành những cuộc tranh luận gay gắt, trẻ có thể dùng hành động tiêu cực để bảo vệ ý kiến của mình. 

4. Yêu cầu về phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non

4.1. Kiểm soát lớp học tốt

Giáo viên cần làm trẻ ý thức được mục đích của cuộc đàm thoại, đảm bảo tất cả học sinh đều được tham gia trao đổi, tạo không khí lớp học sôi động, kích thích hứng thú học tập của trẻ.

Giáo viên kiểm soát tốt lớp học
Giáo viên kiểm soát tốt ý thức tham gia bài giảng của trẻ.

4.2. Hệ thống câu hỏi phải được lựa chọn và sắp xếp hợp lý

Các câu hỏi nên đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Số lượng câu hỏi nên phụ thuộc vào thời gian dạy học, tính phức tạp của kiến thức cũng như trình độ tư duy của trẻ. Với trẻ mầm non, giáo viên nên đưa ra hệ thống câu hỏi đơn giản nằm trong khả năng của trẻ giúp trẻ dễ dàng đàm thoại với nhau và tiếp thu kiến thức nhanh hơn từ các bạn cùng lớp.

4.3. Tổng kết vấn đề, giải quyết thắc mắc

Sau khi đưa ra câu hỏi, giáo viên giải thích thêm về ý nghĩa câu hỏi, lấy ví dụ của một đáp án đúng đề bài giúp trẻ hiểu bản chất câu hỏi. Trong quá trình các bé đối đáp, giáo viên viên ghi nhớ hoặc viết lại những câu trả lời của trẻ để khi học sinh đối đáp xong, giáo viên có thể đánh giá những câu trả lời tốt, những câu trả lời cần chỉnh sửa. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên lắng nghe những thắc mắc của các bé và lý giải chúng.

Có thể thấy rằng, phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non giúp trẻ phát triển tư duy độc lập, năng lực nhận thức cũng như khả năng ngôn ngữ của trẻ. Để áp dụng tốt phương pháp đàm thoại trong dạy học mầm non, giáo viên cần tích cực bồi dưỡng năng lực giảng dạy, cũng như phối hợp với phụ huynh để thấu hiểu tâm tư của trẻ.

 

Xem thêm: Phương pháp trực quan trong dạy học mầm non và điều cần lưu ý