Rất nhiều trường học hiện nay sử dụng trò chơi cho học sinh tiểu học để hình thành kỹ năng mới và củng cố kiến thức đã học. Việc áp dụng trò chơi trong quá trình giảng dạy là một phương pháp hữu ích được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Nó không chỉ giảm tính căng thẳng của giờ học mà còn tạo cơ hội rèn luyện cho học sinh tư duy, tương tác với nhau.

1. Tại sao nên sử dụng trò chơi trong giảng dạy tiểu học?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh sẽ tiếp thu bài học hiệu quả hơn khi ở trong môi trường thư giãn và vui vẻ. Do đó, việc tổ chức các hoạt động vui chơi trong học tập rất quan trọng. Nếu giáo viên biết sử dụng trò chơi đúng lúc, đúng đối tượng sẽ góp phần thiết thực vào việc củng cố và khắc sâu kiến thức cơ bản của bài học và rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Thực chất, trò chơi là một phương pháp giáo dục tốt. Nó sẽ đem lại hiệu quả tuyệt vời nếu bạn biết cách tổ chức trò chơi trở nên lành mạnh, có giá trị hữu ích. Mỗi giáo viên nên chuẩn bị một vài trò chơi phù hợp với môn học. Những hoạt động giải trí này sẽ không mất nhiều thời gian để chuẩn bị nhưng lại hiệu quả, giúp các em củng cố kiến thức và ôn tập tốt hơn.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự tham gia của học sinh, thầy cô cần chuẩn bị những phần thưởng để dành cho những ai thực sự nỗ lực. Hãy luôn ghi nhớ rằng việc tổ chức trò chơi không đơn giản là để nhanh hết thời gian mà thay vào đó, hướng dẫn các em tập trung vào những nội dung kiến thức hoặc một kỹ năng cần có.

tro-choi-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-online

2. Việc tổ chức các hoạt động vui chơi có lợi ích gì trong sự phát triển của trẻ?

Như bạn đã biết, bản chất của phương pháp sử dụng trò chơi trong học tập là dạy học thông qua việc tổ chức hoạt động cho học sinh. Trong quá trình tham gia, các em phải sử dụng các giác quan để thực hiện các thao tác chơi, luật chơi, do đó mà các giác quan trở nên linh hoạt hơn, tư duy trừu tượng phát triển và sử dụng ngôn ngữ mạch lạc.

Không chỉ vậy, việc sử dụng trò chơi cho học sinh tiểu học còn tạo điều kiện để phát triển kiến thức mới. Bằng việc vận dụng các kỹ năng để chơi trò chơi, học sinh nhanh chóng tiếp cận những kiến thức, nền tảng mới. Các em có thể phát hiện ra nhiều vấn đề, cách giải quyết để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

cac-tro-choi-trong-lop-hoc-vui-nhon

Sử dụng trò chơi trong quá trình giảng dạy còn tăng khả năng ghi nhớ. Không khí lớp học cũng trở nên thoải mái, dễ chịu. Học sinh không còn căng thẳng với lý thuyết khô khan và các bài tập khó. Thay vào đó, là sự tự giác, tích cực hơn trong việc tiếp nhận kiến thức. Việc “game hóa” bài giảng giúp các em biết cách nhìn nhận, phân tích, so sánh và ghi nhớ chúng lâu hơn.

Ngoài ra, tổ chức các trò chơi còn thúc đẩy sự chủ động cho học sinh. Giáo viên là người đưa ra nhiệm vụ, hướng dẫn các em cách tham gia, còn học sinh là người chủ động tìm tòi kiến thức và giải quyết vấn đề.

3. Thiết kế trò chơi học tập cho học sinh tiểu học

Trong những giờ học căng thẳng, để giúp học sinh thoải mái, thư giãn hơn, thầy cô nên lồng ghép một số trò chơi vào buổi học. Điều này sẽ giúp các em cảm thấy phấn khích, vui vẻ, ham học hơn. Dưới đây là một số trò chơi cho học sinh tiểu học phổ biến.

3.1. Trò chơi Cướp cờ

Đây là một trong những trò chơi rèn luyện thể lực tốt, rất phù hợp với môn thể dục trong nhà trường. Ưu điểm của trò cướp cờ là không hạn chế người chơi. Tuy nhiên, giáo viên cần chia học sinh thành hai đôi. Tùy vào số lượng học sinh mà các đội sẽ có số người chơi tương ứng. Ngoài ra, cần cử ra một người đóng vai trò là quản trò. Do đặc điểm là trò chơi vận động nên giáo viên cần tổ chức ở nơi có không gian rộng rãi, bằng phẳng và thoáng mát.

Cách chơi: Mỗi đội sẽ đứng hàng dọc theo đường kẻ. Các em sẽ lần lượt điểm danh từ 1 đến hết. Mọi người cần nhớ chính xác số của mình. Quản trò đóng vai trò là người điều khiển, lần lượt gọi các số của người chơi.

Quản trò gọi số nào, thành viên nào của hai đội có số tương ứng là được quyền chạy qua vạch tới vòng tròn giữa sân để giành lấy “cờ”. Học sinh cần lưu ý, người điều khiển cuộc chơi có thể gọi nhiều số cùng lên.

Người đầu tiên cướp được cờ sẽ nhanh chóng trở về vạch xuất phát của đội mình. Người chơi còn lại phải tìm cách đuổi theo và chạm vào người cầm cờ. Nhưng cần đảm bảo chỉ được người chơi cùng số mới chạm vào nhau. Nếu chạm được thì điểm sẽ thuộc về đội của người chơi đuổi theo. Nếu đội cướp cờ về đích an toàn thì sẽ giành điểm.

top-tro-choi-tieu-hoc

3.2. Trò chơi Nhảy bao bố

Trò chơi cho học sinh tiểu học tiếp theo mà thầy cô không nên bỏ qua là: Nhảy bao bố. Cũng giống như “Cướp cờ”, trò chơi Nhảy bao bố có mục đích rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, sự khéo léo mang đến không khí vui tươi, sôi nổi cho các em học sinh. Đây là một trò chơi dân gian có từ thời ông bà, bố mẹ và ngày nay vẫn được áp dụng trong các lễ hội làng, trường học. Trò chơi không giới hạn số lượng người tham gia. Giáo viên chỉ cần chuẩn bị bao bố để học sinh tham gia là được.

Cách chơi: Có một người quản trò, chia học sinh thành các đội, sao cho mỗi đội có số lượng người bằng nhau. Mỗi đội sẽ có một ô hàng dọc để nhảy và có vạch kẻ xuất phát và một vạch đích. Người đứng đầu đứng trong bao bố, hai tay giữ lấy miệng bao. Sau khi lắng nghe hiệu lệnh của quản trò, người đứng đầu mỗi đội sẽ nhảy đến đích rồi mới quay trở lại mức vạch xuất phát đưa bao cho người thứ 2. Cuộc đua diễn ra như vậy cho đến người cuối cùng. Đội nào về trước đội đó thắng.

3.3. Trò chơi  Giải đáp nhanh

Trò chơi này chính là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho môn toán tiểu học. Giải đáp nhanh sẽ giúp các em nhẩm các phép cộng, trừ, nhân, chia trong bảng, rèn luyện kỹ năng ghi nhớ, tuy duy nhạy bén. Giáo viên chia làm hai đội chơi. Mỗi đội tự đặt tên cho mình.

Cách chơi: Đại diện hai đội sẽ lên oẳn tù tì xem bên nào ra đề trước. Đội thứ nhất có thể đặt một phép nhân, chia đã học hay cộng trừ các số. Đội thứ hai sẽ trả lời kết quả khi nghe xong câu hỏi.Sau khi trả lời, nhóm thứ hai sẽ ra đề yêu cầu nhóm thứ nhất trả lời. Trò chơi sẽ diễn ra trong 5 phút thì dừng lại. Nhóm nào nhiều điểm sẽ giành chiến thắng.

3.4. Trò chơi chạy tiếp sức

Chạy tiếp sức là một trò chơi thể lực. Giáo viên cần chọn sân bãi bằng phẳng, rộng rãi. Kẻ 2 vạch mức song song cách nhau khoảng 8 – 10m, dài khoảng 3 – 4m. Số gậy nhỏ được quy định bằng số hàng của 1 bên vạch mức (2, 3, 4 gậy).

Cách chơi: Thầy cô chia học sinh thành các nhóm nhỏ, xếp thành hàng dọc đứng hai bên vạch xuất phát (2, 3 hoặc 4 hàng). Mỗi em đầu hàng bên trái sẽ cầm một cây gậy nhỏ. Khi có hiệu lệnh của giáo viên, những em cầm gậy ở hàng bên trái sẽ chạy nhanh trao gậy cho những trẻ đầu hàng bên phải, sau đó chạy đến xếp cuối hàng bên phải. Những em nhận được gậy nhanh chóng sang đưa cho bạn số 2 của hàng bên trái rồi xếp cuối hàng bên đó. Trò chơi cứ tiếp tục cho đến khi hết thành viên. Đội nào về trước, hàng ngũ ngay ngắn đội đó sẽ giành chiến thắng.

3.5. Hát nhanh hát chậm

Hát nhanh hát chậm là trò chơi cho học sinh tiểu học được nhiều giáo viên dạy âm nhạc lựa chọn. Thông qua ký hiệu tay của thầy cô, các em sẽ biết hát nhanh, hát chậm theo đúng hiệu lệnh.

Cách chơi: Giáo viên có thể chọn một bài hát đã học, quy ước kí hiệu tay. Khi thầy cô đưa hai tay nhanh thì học sinh hát nhanh, ngược lại hai tay chậm thì học sinh hát chậm. Các em cần tập trung và chơi đúng hiệu lệnh của thầy cô.

4. Trò chơi cho học sinh tiểu học online

Giáo dục 4.0, rất nhiều em học sinh được tiếp cận với việc học online. Giáo viên bắt đầu làm quen với thiết kế bài giảng điện tử. Để buổi học diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao, thầy cô nên “game hóa” kiến thức trong sách giáo khoa thành các trò chơi hấp dẫn, bổ ích để thu hút các em học sinh. Dưới đây là các trò chơi trong lớp học vui nhộn được Edulive chọn lọc và giới thiệu đến bạn đọc.

4.1. Câu đố trực tiếp

Trong một cuộc khảo sát vào năm 2019, các chuyên gia nhận thấy rằng 88% học sinh nhận ra các trò đố vui trong lớp học online là vừa tạo động lực vừa hữu ích cho việc học. 100% học sinh nói rằng, trò chơi đố vui giúp các em ôn lại kiến thức đã học trên lớp và ghi nhớ chúng tốt hơn.

Thầy cô có thể áp dụng trò chơi này trong quá trình giảng dạy. Một câu đó trực tiếp với phần thưởng hay lời khen dành cho những bạn trả lời đúng sẽ giúp học sinh hứng thú với việc học hơn nhiều đấy.

4.2. Trò chơi đuổi hình bắt chữ

Trên màn hình sẽ có các bức hình. Các đội quan sát trong thời gian 1 phút 30 giây sau đó hãy cho biết ý nghĩa, nội dung thông điệp bức hình đó là gì? Mỗi bức hình đoán đúng, các em sẽ được 10 điểm, nếu các đội chơi đoán sai với đáp án của chương trình sẽ không có điểm.

4.3. Trò chơi hái dừa

Một trong những trò chơi cho học sinh tiểu học online được yêu thích nhất là “Hái dừa”. Giáo viên chia học sinh thành hai đội chơi. Trên màn hình là cây dừa có rất nhiều quả dừa và mỗi quả sẽ có những từ vựng khác nhau. Và để hái được những quả dừa đó, mỗi đội cần phải đặt câu với những từ có sẵn sao cho hợp lý nhất. Đội nào đặt được nhiều câu hơn thì đội đó chiến thắng.

4.4. Trò chơi Ong non học việc

Giáo viên sẽ thiết kế trên slide gồm những chú ong chăm chỉ đang hút mật cho những bông hoa hướng dương. Luật chơi là mỗi chú ong sẽ đặt ra một câu hỏi và mỗi bông hoa hướng dương sẽ là một câu trả lời.

tro-choi-tren-power-point-ong-non-hoc-viec

4.5. Trò chơi Đồng hồ đếm ngược

Giáo viên sẽ quy định thời gian từ đầu. Trong khoảng thời gian đó, nếu học sinh trả lời được nhiều câu hỏi nhất thì điểm sẽ càng cao. Thầy cô có thể tự đặt mốc thời gian hợp lý, sao cho phù hợp với lượng câu hỏi và sức học của học sinh.

5. Trò chơi cho học sinh tiểu học giúp tăng hứng thú

Kết thúc những giờ học căng thẳng thì việc tổ chức các trò chơi cho học sinh thư giãn là ý tưởng tuyệt vời, giúp các em có thêm năng lượng bước vào tiết học mới. Thầy cô có thể tổ chức cho học sinh vui chơi ở giữa giờ hoặc trò chơi khởi động trong mỗi giờ học.

5.1. Trò chơi Chuyền hoa

Trò chơi cho học sinh tiểu học này không cần cầu kỳ về dụng cụ. Giáo viên chỉ cần chuẩn bị một hoa hồng, câu hỏi và phần quà.

Cách chơi: Người quản trò sẽ bắt nhịp một bài hát, cả lớp cùng hát theo và cùng chuyền bông hoa hồng đi. Sau khi kết thúc bài hát, học sinh nào cầm bông hoa trên tay sẽ trả lời câu hỏi được giấu trong hoa. Nếu trả lời đúng sẽ được quả. Ngược lại, nếu trả lời sai sẽ nhường quyền trả lời cho học sinh xung phong.

5.2. Trò chơi Bắn tên

Trò chơi này không cần phải chuẩn bị dụng cụ gì cả. Người quản trò chỉ cần hô: “Bắn tên, bắn tên” và cả lớp sẽ đáp lại: “tên gì, tên gì”. Sau đó, người quản trò sẽ gọi tên bạn học sinh và đặt câu hỏi cho bạn đó trả lời. Nếu đúng thì cả lớp sẽ vỗ tay hoan hô. Nội dung câu hỏi, thầy cô có thể đặt liên quan đến bài đã học nhằm ôn lại kiến thức cho học sinh.

5.3. Trò chơi Tôi là vua

Đây là một trong những trò chơi cho học sinh tiểu học được nhiều em yêu thích. Cách chơi cực kỳ đơn giản, học sinh chỉ cần xếp thành một vòng tròn và người quản trò sẽ đứng ở giữa vòng tròn ấy. Khi người quản trò đọc tên ai trong vòng thì bạn ấy phải nói: “Tôi là vua”. Hai bạn đứng hai bên sẽ nói: “Muôn tâu bệ hạ” và quỳ xuống.

5.4. Trò chơi Con thỏ

Thêm một trò chơi hấp dẫn khác mà giáo viên nên áp dụng là: trò chơi con thỏ. Mục đích của trò chơi này là tạo không khí vui vẻ, thoải mái và rèn luyện trí nhớ tốt. Trò chơi giúp các em có tính tập trung và phản xạ nhanh nhẹn, hoạt bát.

Sẽ có một quản trò hướng dẫn cho người chơi các động tác. Khi quản trò nói “Con thỏ” người chơi sẽ phải đưa tay lên cao.

Khi người quản trò nói “con thỏ ăn cỏ” người chơi đưa tay phải xuống, chụm các ngón tay lại vào lòng bàn tay trái.

Khi người quản trò nói “con thỏ uống nước”. Người chơi đưa tay phải lên chụm vào sát miệng, đầu hơi ngửa ra phía sau một chút.

Khi người quản trò nói “con thỏ vào hang”, người chơi đưa tay phải lên, ngón tay chụm lại đặt sát vào tai.

Khi người quản trò nói “con thỏ đi ngủ”, người chơi đưa tay phải lên chụm vào sát mắt.

Đây là một trò chơi vui nhộn, mang lại nhiều tiếng cười cho học sinh. Để tăng thêm phần kịch tính, giáo viên có thể nói một kiểu, làm một kiểu khác để đánh lừa người chơi. Học sinh nào làm không đúng quy định là phạm luật.

5.5. Trò chơi Phản xạ nhanh

Phản xạ nhanh là trò chơi kích thích sự lắng nghe, tập trung cũng như phản ứng khi nghe hiệu lệnh. Trò chơi có 3 động tác, bao gồm: vỗ tay, đứng lên, ngồi xuống. Khi quản trò vỗ tay thì tất cả cùng vỗ tay 1 cái... với động tác đứng lên, ngồi xuống cũng được thực hiện như vậy...

Tuy nhiên, trong trò chơi này người quản trò hoàn toàn có thể đánh lừa học sinh. Quản trò hô vỗ tay nhưng động tác thì đứng lên – khi quản trò hô đứng lên thì tất cả nói đứng lên nhưng động tác thì ngồi xuống. Trò chơi cứ tiếp tục, ai làm sai sẽ bị mời ra và chịu hình phạt.

top-17-tro-choi-tieu-hoc

6. Trò chơi tiểu học cho môn Tiếng Việt

Với những em nhỏ khi mới bước vào bậc tiểu học, lần đầu làm quen với các bảng chữ cái, từ đơn, từ ghép... thì việc tổ chức các trò chơi sẽ giúp học sinh hứng thú và hiểu bài nhanh hơn.

6.1. Tìm tiếng có chứa vần vừa học

Trò chơi giúp học sinh ghi nhớ những vần vừa học. Mỗi em học sinh cần chuẩn bị giấy bút, hoặc phấn, bảng để tìm từ theo nhóm. Dựa vào các vần đã học, trong khoảng thời gian quy định từ 5 – 10 phút. Mỗi người hoặc một nhóm sẽ phải tìm thật nhiều tiếng có vần vừa học và ghi vào giấy.

Cá nhân học sinh hoặc nhóm sẽ đọc tiếng để giáo viên ghi bảng. Sau khi hết thời gian quy định, mọi người cùng nhau đánh giá kết quả. Cá nhân hoặc nhóm nào tìm được nhiều tiếng nhất thì người đó sẽ giành chiến thắng.

6.2. Đọc thơ truyền điện

Mục đích của trò chơi cho học sinh tiểu học này chính là giúp học sinh đọc thuộc nhanh các câu thơ trong bài học. Đồng thời, rèn luyện trí nhớ và phản xạ nhanh, kịp thời.

Giáo viên cho học sinh học thuộc các bài thơ đã học. Chia các nhóm chơi có số người bằng nhau. Xác định bài thơ đã học thuộc lòng và đọc theo lối truyền điện. Quản trò sẽ cử đại diện hai nhóm bốc thăm để đọc trước. Nhóm nào đọc trước sẽ cử một bạn đứng lên đọc câu thơ đầu tiên của bài rồi chỉ định thật nhanh một bạn bất kỳ của nhóm đối diện... Trò chơi cứ tiếp tục như vậy cho đến khi hết bài.

Trường hợp người bị chỉ định không thuộc hoặc chưa đọc ngay thì sẽ bị đứng. Người đọc câu thơ trước sẽ được chỉ định một bạn khác trong nhóm đối diện đứng lên đọc tiếp... Nhóm nào có nhiều người bị đứng là nhóm thua cuộc.

6.3. Trò chơi ghép tranh với hình tương ứng

Giáo viên cần chuẩn bị một số tranh (ảnh) các con vật và một số thẻ từ (ghi sẵn). Bạn chỉ cần phát tranh và thẻ từ cho các nhóm, nêu yêu cầu của các nhóm thi đua ghép các tranh với các từ tương ứng. Nhóm nào ghép đúng và nhanh hơn sẽ thắng cuộc.

thiet-ke-tro-choi-hoc-tap-cho-hoc-sinh-tieu-hoc

7. Lưu ý khi sử dụng trò chơi dạy học giáo viên cần biết

Để tổ chức trò chơi cho học sinh tiểu học hiệu quả, giáo viên cần lưu ý những vấn đề sau:

- Trò chơi đưa ra phải thích hợp với đặc điểm của người học. Những trò chơi được sử dụng không chỉ đáp ứng về yêu cầu học tập mà còn phải gây hứng thú, hấp dẫn với người học. Từ nội dung học tập, thầy cô hãy lựa chọn hình thức chơi hợp lý.

- Những trò chơi mang tính thể lực, thầy cô cần đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Kiểm soát các tình huống chơi để tránh xảy ra sự cố  ngoài ý muốn.

- Giáo viên cần giải thích rõ luật chơi để học sinh không làm sai lệch nội dung học tập.

- Việc tổ chức trò chơi cho các em học sinh chỉ với mục đích học tập, rèn luyện kỹ năng, thể chất chứ không phải tranh giành thứ hạng. Thầy cô nên nhấn mạnh ý nghĩa này để tránh gây mâu thuẫn, thúc đẩy tính hiếu thắng hay bất đồng với nhau.

- Sự sáng tạo trong mỗi trò chơi là điều cần thiết. Nếu thầy cô chỉ áp dụng một cho trò chơi trong các buổi học sẽ dẫn đến sự nhàm chán trong học sinh. Vì vậy, hãy tìm tòi và thay đổi để buổi học được hấp dẫn, sôi nổi hơn.

Thiết lập trò chơi cho học sinh tiểu học là phương pháp giáo dục hay cần được áp dụng. Việc làm này không những làm tăng không khí lớp học mà còn giúp các em học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng và thể chất...