Bản thân giáo án và bài giảng vốn dĩ đã khác nhau, thầy cô nào cũng nắm được. Tuy nhiên, tới khi phổ biến giáo án điện tử và bài giảng điện tử thì lại rất nhiều người nhầm lẫn giữa chúng. Hãy cùng Edulive tìm hiểu về giáo án điện tử và bài giảng điện tử qua bài viết dưới đây.
1 - Giáo án và giáo án điện tử
1.1. Khái niệm giáo án
Giáo án là bản lên kế hoạch giờ dạy của giáo viên được soạn trước trên giấy để chuẩn bị cho tiến trình dạy học. Tuỳ thuộc vào đối tượng học sinh và giáo viên dạy mà giáo án được soạn khác nhau sao cho phù hợp.
Giáo án bao gồm đề tài của giờ dạy, mục đích cần đạt được, nội dung, phương pháp, thiết bị sử dụng cho dạy học, các hoạt động cụ thể,... Các mục trên được lên dàn ý chi tiết trên giáo án theo trình tự sẽ diễn ra trong tiết học. Có thể hiểu, giáo án trả lời cho bốn câu hỏi sau:
-
Dạy cho ai?
-
Dạy cái gì?
-
Dạy để làm gì?
-
Dạy như thế nào?
1.1.2. Vai trò của giáo án trong dạy học
Giáo án được chuẩn bị kỹ càng, tính toán chi tiết về thời gian, các hoạt động dạy và học sẽ đảm bảo giờ học đi theo trình tự, diễn ra thành công.
Định hướng giờ học theo trình tự bài bản giúp giờ học diễn ra thành công
Giáo án lên kế hoạch chi tiết cho các hoạt động dạy học sẽ diễn ra như thế nào với thời lượng và hình thức ra sao. Học sinh được tiếp cận thông tin theo trình tự, làm quen kiến thức mới dần dần theo từng bước. Đối với giáo viên, đây là cách giúp thầy cô có thể tổ chức và kiểm soát giờ dạy với đầy đủ hoạt động trong thời lượng giới hạn một tiết học.
Tối ưu hiệu quả dạy học
Lên kế hoạch trước giúp chúng ta có thể chủ động thực thi và kiểm soát mọi việc, đảm bảo công việc diễn ra đúng tiến độ và có một tiêu chuẩn nhất định để đạt được sau quá trình thực hiện. Với việc dạy học và chuẩn bị giáo án cũng vậy. Khi có một giáo án chất lượng tự tay chuẩn bị, giáo viên sẽ có một tâm thế tự tin nhất, nắm bắt sâu sắc điều mình cần phải làm trong tiết dạy để truyền tải hiệu quả nội dung bài học. Việc dạy và học theo từng bước với phương pháp, nội dung được lên kế hoạch trước, các hoạt động diễn ra tuần tự giúp nâng cao hiệu quả tiếp thu bài học và kết quả học tập.
Giúp đánh giá năng lực người dạy học
Giáo án là một trong những yếu tố để đánh giá năng lực của người giáo viên. Chuẩn bị một giáo án bài bản, khoa học giúp thầy cô có những giờ dạy hiệu quả. Từ đó thầy cô được nhà trường, phụ huynh công nhận về năng lực bởi giờ học có mang lại kết quả tốt hay không là dựa vào cách thầy cô truyền tải kiến thức, cách sử dụng thiết bị, công cụ, phương tiện trong dạy học.
1.1.2 Cấu trúc giáo án
Cấu trúc giáo án được triển khai theo các mục sau:
A. Mục tiêu:
-
Kiến thức
-
Kĩ năng
-
Thái độ
B. Chuẩn bị:
-
Giáo viên
-
Học sinh
-
Các phương tiện dạy học, gợi ý ứng dụng công nghệ thông tin
C. Tổ chức các hoạt động học tập:
-
Hoạt động 1
-
Hoạt động 2
-
Hoạt động …
-
Hoạt động n – 1: Vận dụng, củng cố
-
Hoạt động n: Hướng dẫn về nhà
D. Rút kinh nghiệm
Nhận xét, rút kinh nghiệm của giáo viên sau giờ dạy.
1.2. Giáo án điện tử là gì ?
Theo tài liệu của Vụ Tin học - Bộ GD&ĐT: “Giáo án điện tử có thể hiểu là giáo án truyền thống của giáo viên nhưng được đưa vào máy vi tính – giáo án truyền thống nhưng được lưu trữ, thể hiện ở dạng điện tử. Khi giáo án truyền thống được đưa vào máy tính thì những ưu điểm, thế mạnh của CNTT sẽ phát huy trong việc trình bày nội dung cũng như hình thức của giáo án. Như vậy, giáo án điện tử không bao hàm có ứng dụng hay không việc ứng dụng CNTT trong tiết học mà giáo án đó thể hiện”.
Hiểu đơn giản nhất, giáo án điện tử không khác gì với giáo án thông thường ngoài việc được soạn và lưu trên máy vi tính. Để có thể tạo giáo án điện tử, giáo viên bên cạnh các kỹ năng thông thường khi soạn giáo án cần có thêm kỹ năng sử dụng máy vi tính, thành thạo công cụ soạn thảo.
Lợi thế của giáo án điện tử
Có nhiều lý do để giáo án điện tử được lòng giáo viên và dần phổ biến trong việc dạy học hiện nay:
-
Tính tiện lợi: có thể lưu trữ gọn nhẹ trên USB, thẻ nhớ hoặc trên các dịch vụ lưu trữ đám mây. Thầy cô có thể truy cập giáo án điện tử ở bất kỳ đâu mà không cần phải mang nhiều tài liệu như giáo án truyền thống; cũng như việc trao đổi, tham khảo lẫn nhau giữa các giáo viên trở nên dễ dàng hơn.
-
Tiết kiệm thời gian, công sức soạn bài: khi đã thành thạo công cụ soạn thảo, việc đánh máy soạn giáo án chắc chắn nhanh hơn nhiều so với việc cặm cụi ngồi chép tay.
-
Ngoài ra, có khá nhiều mẫu giáo án thầy cô có thể tham khảo trên mạng internet, có nhiều nguồn tham khảo cũng giúp thầy cô nhanh chóng có ý tưởng cho bài giảng của mình hơn.
-
Tăng trình độ nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp: giáo viên thành thạo giáo án điện tử đồng nghĩa với việc thành thạo sử dụng công nghệ thông tin, được đánh giá cao hơn trong công việc.
2. Bài giảng điện tử
2.1. Bài giảng là gì?
Bài giảng có thể hiểu là một phần trình bày của giáo viên trong quá trình dạy học, là sự thực thi giáo án đã được soạn trước. Bài giảng cần được định hướng rõ ràng về chủ đề, có hệ thống, kết hợp nhiều phương thức truyền tải thông tin đến học sinh.
2.2. Bài giảng điện tử là gì?
Bài giảng điện tử là hình thức tổ chức dạy học mà các hoạt động dạy học theo kế hoạch được truyền tải và thực hiện trên máy vi tính do giáo viên điều khiển. Ngoài ra, bài giảng điện tử còn dùng để gọi những tập tin lưu trữ lại các nội dung dạy học có chức năng truyền tải kiến thức đến học sinh.
Cấu trúc bài giảng
Bài giảng điện tử thường là tập hợp của nhiều slide trình chiếu với cấu trúc từ bắt đầu đến kết thúc buổi học, hoặc là một vài slide tư liệu minh hoạ cho phần bài học đang nhắc tới. Cấu trúc trọn bộ một bài giảng điện tử thường như sau:
-
Slide bắt đầu
-
Kiểm tra, ôn tập bài cũ
-
Dẫn dắt bài mới
-
Nội dung chính của bài mới
-
Vận dụng, củng cố
-
Slide kết thúc
Lợi thế của bài giảng điện tử
-
Cung cấp được lượng lớn kiến thức, không lo cháy giáo án vì đã có quy trình và có sự kiểm soát khi dạy trên máy tính;
-
Có thể tổ chức các bài thi nhanh chóng, các cuộc thi nhỏ trong giờ học nhanh chóng hơn so với chép bảng hay phát giấy;
-
Tăng tính hấp dẫn của bài học: bài giảng điện tử thường kết hợp thông tin đa phương tiện gồm hình ảnh, âm thanh,... nhiều công cụ còn hỗ trợ thêm tính tương tác giúp bài học trở nên hấp dẫn, trực quan hơn;
-
Tăng hiệu quả dạy học: được tiếp cận thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau và tương tác trực tiếp với bài giảng giúp học sinh dễ ghi tiếp thu và ghi nhớ kiến thức tốt hơn, từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn cho dạy và học;
-
Dễ lưu trữ: tương tự giáo án điện tử, các file bài giảng điện tử cũng có thể lưu trữ dễ dàng trên môi trường số để truy cập sử dụng ở bất kỳ đâu mà không phải mang vác cầu kỳ như các thiết bị dạy học thông thường.
3. Phân biệt giáo án điện tử và bài giảng điện tử
Vì sao lại dễ xảy ra nhầm lẫn giữa giáo án điện tử và bài giảng điện tử?
Trước đây khi chưa quá phổ biến trong việc dạy học, giáo viên chưa tiếp cận nhiều với giáo án điện tử và bài giảng điện tử nên có nhiều hiểu sai giữa hai khái niệm này. Hiện nay trên mạng internet có vô vàn tài liệu, thư viện bài giảng, giáo án, các bài viết liên quan,... Mỗi nguồn lại định nghĩa theo một cách riêng, không đảm bảo tính chính xác. Tất cả những điều này khiến giáo viên dễ bị nhầm lẫn khi cần tìm tài liệu hay soạn bài.
Tuy nhiên, thầy cô cần lưu ý “giáo án điện tử” và “bài giảng điện tử” có liên quan đến việc dạy học nhưng khác nhau hoàn toàn về nội dung, hình thức, công dụng. Thầy cô không nên nhầm lẫn hay đánh đồng khi sử dụng.
Điểm chung của giáo án điện tử và bài giảng điện tử
Cả giáo án điện tử và bài giảng điện tử đều được thực hiện soạn thảo hay thiết kế trên máy vi tính, sử dụng các phần mềm, công cụ soạn thảo và thêm vào có thể là phương thức truyền tải đa phương tiện để biểu thị nội dung. Cả hai đều được soạn thảo và thiết kế trước khi giờ học diễn ra, có thể lưu dưới dạng file để sao chép, lưu trữ, di chuyển. Nếu như không thường xuyên tiếp xúc, chưa thông thạo công cụ thì sự nhầm lẫn này rất dễ xảy ra
Phân biệt giáo án và bài giảng điện tử
Thứ nhất, giáo án điện tử là bản kế hoạch dạy học được tạo bằng máy vi tính, còn bài giảng điện tử là một hình thức tổ chức dạy học với sự hỗ trợ của máy vi tính.
Thứ hai, giáo án điện tử chuẩn bị nội dung, phương thức giảng dạy cho tiết học, có thể in ra thành tài liệu. Bài giảng điện tử truyền tải nội dung kiến thức và nên sử dụng trên máy tính hoặc trình chiếu vì nếu in ra sẽ mất đi tính sinh động, các hiệu ứng của bài giảng bị mất đi, không còn sử dụng được các tư liệu như video, âm thanh.
Thứ ba, chúng khác nhau về công cụ. Giáo án điện tử được soạn thảo bằng các phần mềm, công cụ soạn thảo văn bản như Word, Documents,... bài giảng điện tử được thiết kế từ Powerpoint, Canva, Edulive, SlideShow,...
Thứ tư, người học nhìn, nghe và tiếp xúc với bài giảng còn giáo án thì không. Giáo án là bản lên kế hoạch dạy học của giáo viên nên học sinh sẽ không thấy được. Còn bài giảng dành cho việc dạy học để minh hoạ, truyền tải kiến thức, là thứ mà học sinh sẽ được trải nghiệm trong giờ học.