Đánh giá chi tiết ưu nhược điểm của một số phần mềm dạy học trực tuyến phổ biến. Hãy cùng xem đâu là phần mềm phù hợp nhất dành cho bạn!

Bên cạnh các lớp học offline, học trực tuyến đã và đang trở thành hình thức giáo dục phổ biến, được nhiều đơn vị giáo dục và giáo viên lựa chọn để mở rộng đào tạo. Có rất nhiều phần mềm hỗ trợ học trực tuyến hiện nay, cả phần mềm miễn phí lẫn phần mềm trả phí. Hầu hết chúng đều được tối ưu để mang lại hiệu quả tốt nhất cho việc dạy và học. Dưới đây sẽ là một vài thông tin và nhận xét đánh giá, so sánh một số phần mềm dạy trực tuyến phổ biến để thầy cô tham khảo.

1. Tổ chức dạy học online bằng Zoom Cloud Meeting

Phần mềm Zoom Cloud Meeting hay thường được gọi tắt là Zoom cung cấp tính năng mở lớp học miễn phí lẫn trả phí. Chất lượng hình ảnh, video được truyền qua phần mềm này sắc nét, ổn định nên Zoom thường là phần mềm phổ biến bậc nhất trong dạy và học online, ngoài ra còn dùng cho tổ chức các hội thảo, cuộc họp online trong nhà trường. Cách sử dụng Zoom cho dạy học trực tuyến rất đơn giản nên nó phổ biến bậc nhất trong lĩnh vực này.

danh-gia-phan-mem-day-hoc-truc-tuyen-zoom

Ưu điểm của Zoom khi dạy học trực tuyến:

  • Giao diện đơn giản, thân thiện, dễ sử dụng, tương thích với nhiều hệ điều hành; 

  • Đường truyền tốt giúp truyền tải hình ảnh chất lượng;

  • Tính năng chat trong khi tổ chức lớp học giúp dễ dàng trao đổi với nhau;

  • Cung cấp bộ lưu trữ đám mây, lưu lại toàn bộ cuộc họp và đoạn chat;

  • Chia sẻ màn hình đơn giản, có thể chia sẻ một cửa sổ thay vì toàn bộ màn hình đảm bảo sự riêng tư;

  • Cung cấp tính năng bảng trắng như trong lớp học, ghi chú,...;

  • Lên lịch trước cho lớp học, đồng bộ với các thiết bị khác, nhờ đó mà có thể truy cập vào lớp học ở bất kỳ đâu;

  • Tài khoản miễn phí cho phép đến 100 người tham gia lớp học, không giới hạn số lần mở lớp trong ngày;

  • Chia sẻ, mời vào lớp học dễ dàng qua email hoặc đường link trực tiếp vào phòng Zoom;

  • Không cần tạo tài khoản mới tham gia được lớp học;

Người chủ trì cuộc họp, với dạy học online là giáo viên, có một số tính năng hỗ trợ cho việc dạy học khá tốt:

  • Tắt chat, tránh việc học sinh trao đổi riêng trong khi đang nghe giảng;

  • Tắt micro của người tham gia khác để tránh gây ồn ào trong lớp học;

  • Chỉ định người giơ tay để phát biểu trong lớp học;

  • Phát livestream lên các nền tảng mạng xã hội khác. Vì vậy nhiều giảng viên còn chọn tổ chức các buổi học Zoom song song phát trực tiếp lên mạng xã hội để nhiều người được tham gia học tập hơn, tuy nhiên cách này bị hạn chế ở việc học tập một chiều, khó tương tác với giảng viên.

Nhược điểm khi dùng Zoom để dạy học trực tuyến:

  • Lớp học miễn phí giới hạn thời lượng chỉ 40 phút;

  • Khi sử dụng trên các hệ điều hành cũ có thể gặp vấn đề, nhiều tính năng không hỗ trợ trên điện thoại;

  • Tính năng chat dễ bị ẩn đi, giao diện cũng khá khó để phân biệt giữa các tin nhắn với nhau, không thể chia sẻ file qua tính năng chat;

  • Nhiều tính năng hạn chế, cần trả phí mới sử dụng được, mức phí cũng khác cao chưa thực sự phù hợp với túi tiền của nhiều giáo viên;

  • Dễ tham gia nên cũng dễ bị những đối tượng ngoài lớp học vào gây rối, ngoài ra Zoom đã từng xảy ra lỗ hổng bảo mật lớn nên nhiều quốc gia không còn coi đây là lựa chọn ưu tiên khi cần đến phần mềm lớp học trực tuyến;

  • Thiếu sự tương tác giữa học sinh với bài giảng;

  • Không tạo được nhóm liên hệ ngoài giờ học, nếu cần liên lạc thì cần các cách thức khác.

Đánh giá phần mềm Zoom cho dạy học trực tuyến

Có thể thấy, với những tính năng được tối ưu cho dạy học trực tuyến, Zoom vô cùng phù hợp để sử dụng cho những lớp học quy mô phổ biến. Tuy nhiên nếu muốn tạo nhóm lớp liên lạc thì cần thêm phần mềm khác.

2. Phòng họp mặt Facebook

Tháng 4/2020, các nhà phát triển cũng đã cho ra đời tính năng họp mặt trên Facebook. Đây là mạng xã hội vô cùng phổ biến, gần như ai cũng có cho mình một tài khoản cá nhân. Vì vậy, họp mặt trên Facebook hay Messenger Room, Facebook Messenger Room hứa hẹn mang đến một cuộc cạnh tranh thú vị với các phần mềm học trực tuyến khác.

Ưu điểm khi dùng Facebook để tổ chức lớp học trực tuyến

  • Độ phổ biến cực cao trên toàn cầu và đặc biệt ở Việt Nam nhưng không nhất thiết phải có tài khoản mới tham gia được phòng họp mặt;

  • Người tổ chức lớp học có quyền kiểm duyệt người tham gia;

  • Tổ chức họp mặt hoàn toàn miễn phí, cho phép đến 50 người tham gia cùng lúc;

  • Không giới hạn thời lượng cuộc họp mặt;

  • Chất lượng âm thanh, hình ảnh cuộc họp tốt;

  • Là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, nhiều người sử dụng, được cải tiến liên tục nên ít xảy ra lỗi;

Nhược điểm:

  • So với các phần mềm chuyên dụng khác, 50 vẫn là con số nhỏ khi nói về quy mô có thể tổ chức;

  • Là tính năng mới ra mắt nên vẫn chưa thực sự tối ưu cho việc dạy học;

  • Thiếu đi tính tương tác giữa các thành viên trong lớp học;

Nhận xét sử dụng phòng họp mặt Facebook cho dạy trực tuyến

Về cơ bản, đây là một phần mềm đáng để thử cho việc tổ chức dạy trực tuyến mà thầy cô có thể thử vì độ tiện lợi và siêu phổ biến của nó. Thầy cô có thể xem xét giữa những ưu và nhược điểm để xem có phù hợp hay không.

3. Sử dụng Skype để dạy học trực tuyến

Một trong những ứng dụng dành cho dạy học trực tuyến phổ biến hàng top tại Việt Nam và trên thế giới phải kể đến Skype. Ứng dụng cho phép tổ chức cuộc gọi video, nhắn tin, chia sẻ tập tin tài liệu, âm thanh, video,... với độ bảo mật cao.

Ưu điểm của Skype:

  • Cung cấp tính năng tổ chức lớp học trực tuyến miễn phí;

  • Có thể cho phép đến 250 người tham gia lớp học;

  • Tính bảo mật cao;

  • Cho phép chia sẻ tập tin, tin nhắn, thư thoại, video,... vô cùng đa dạng, chia sẻ màn hình trong cuộc họp đơn giản;

  • Có khả năng tích hợp với Microsoft Office, tối ưu hoá hiệu quả công việc;

  • Có thể sử dụng trên nền tảng web, không nhất thiết phải cài phần mềm hay có tài khoản;

  • Kiểm soát được trạng thái người tham gia;

  • Có thể lưu được nội dung buổi học để xem lại;

danh-gia-phan-mem-day-hoc-truc-tuyen-skype

Nhược điểm của Skype:

  • Bản miễn phí có giới hạn thời gian sử dụng: 100h/tháng, 10h/ngày, 4h/cuộc gọi;

  • Đường truyền không thực sự tốt, có thể xảy ra giật, lag trong quá trình diễn ra lớp học;

  • Tốn băng thông hơn so với phần mềm khác;

  • Mức năng lượng tiêu thụ khi sử dụng phần mềm khá cao;

Đánh giá sử dụng Skpye cho dạy học trực tuyến:

Đây là một phần mềm khá tốt cho dạy học trực tuyến, vừa có thể tổ chức nhóm lớp để tiện liên hệ. Tuy nhiên với chất lượng cuộc gọi chưa thực sự tốt thì thầy cô nên nhắc. 

4. Zalo

Trước đây, Zalo vốn được dùng chủ yếu cho kết nối cá nhân, liên hệ với bạn bè, người thân cho tới khi nhu cầu học online và tổ chức lớp học trực tuyến gia tăng. Zalo bắt đầu dần được ứng dụng bởi độ phổ biến ở Việt Nam

danh-gia-phan-mem-day-hoc-truc-tuyen-zalo

Ưu điểm:

  • Giao diện đơn giản, là ứng dụng thuần Việt nên vô cùng thân thiện và dễ dùng với người Việt;

  • Đăng ký tài khoản đơn giản với số điện thoại, không cần tới tài khoản e-mail, rất phù hợp với đối tượng học sinh (thực ra là phụ huynh) ở Việt Nam bởi không phải ai cũng sử dụng thư điện tử còn điện thoại thì hầu như ai cũng có; 

  • Tham gia dễ dàng qua điện thoại, máy tính bảng;

  • Độ bảo mật tốt, khi đăng nhập trên thiết bị lạ, chủ tài khoản luôn nhận được cảnh báo;

  • Có thể vừa tham gia cuộc gọi video của lớp học online vừa chat do có cửa sổ chat và cửa sổ cuộc gọi video riêng biệt.

  • Cung cấp hội thoại có thể chia sẻ dữ liệu lên đến 25MB, gửi video, hình ảnh HD chất lượng cao, đường truyền dữ liệu ổn;

Nhược điểm:

  • Đối với máy tính, tính năng cuộc gọi lại chỉ sử dụng được trên phần mềm Zalo PC. Máy tính để bàn vẫn có thể cài đặt nhưng chúng lại không được thiết kế tối ưu cho chức năng nghe gọi, Zalo PC lại thường không đáp ứng thiết bị ngoại vi nên càng khó dùng để thực hiện nghe gọi bằng phần mềm này;

  • Chất lượng đường truyền video không tốt, dễ lag, giật; 

  • Dữ liệu của cuộc hội thoại chỉ được lưu trong thời gian ngắn, thường xuyên mất tin nhắn/tài liệu/link đã gửi lên nhóm;

  • Tối đa chỉ được 10 người có thể tham gia cuộc gọi;

  • Không thể chia sẻ màn hình, trình chiếu, không thực sự thuận tiện cho việc dạy học

Kết luận sử dụng Zalo hỗ trợ dạy học online

Tổ chức lớp học trên Zalo phù hợp với quy mô lớp học nhỏ, học nhóm online. Vì dễ sử dụng với tốc độ truyền file nhanh nên có thể dùng Zalo để kết nối nội bộ lớp học, liên lạc, giao bài,... hỗ trợ song song việc dạy học qua Zoom, Google Meets

5. Microsoft Teams

Còn được viết tắt là MS Teams, là ứng dụng được phát triển bởi Microsoft. Đây cũng là một phần mềm quen thuộc khi nhắc đến phần mềm dạy học trực tuyến.

Ưu điểm:

  • Hỗ trợ tổ chức lớp học trực tuyến, gọi điện, chat;

  • Tích hợp sẵn trong gói Office 365, có nghĩa là thầy cô sẽ không mất thêm chi phí nếu đã đang sử dụng Office bản quyền, có thể dùng chung với các ứng dụng khác dưới dạng tab rất tiện;

  • Thông tin trên Teams được chia sẻ thành các kênh trong từng nhóm riêng biệt, mỗi người sẽ chỉ thấy tài nguyên riêng theo từng kênh;

  • Có thể kết nối với hơn 400 ứng dụng khác tích hợp vào làm việc trên MS Teams

  • Tính bảo mật cao;

danh-gia-phan-mem-day-hoc-truc-tuyen-ms-team

Nhược điểm:

  • Số lượng kênh bị giới hạn chỉ 100 kênh, nếu muốn tạo mới cần phải xoá kênh cũ đi rất bất tiện;

  • Hạn chế về cài đặt phân quyền;

  • Tất cả dữ liệu được tổng hợp vào một site document chung, nếu không quy hoạch và sắp xếp từ đầu thì khi phát sinh nhiều dữ liệu sẽ dễ khiến dữ liệu bị rối, khó tìm.

Vậy, phần mềm nào phù hợp để dạy học trực tuyến?

  • Đối với quy mô lớp học thông thường thầy cô có thể chọn bất kỳ phần mềm nào ở trên như Zoom, Skype, Google Meet, MS Team; còn Zalo phù hợp với các lớp học nhỏ, họp nhóm, học nhóm,...

  • Nếu muốn vừa tổ chức dạy học online vừa tạo nhóm liên hệ, chia sẻ thông tin, tài liệu hãy chọn Skype, Zalo, Facebook;

Hy vọng qua bài viết này, thầy cô sẽ có thêm thông tin về các nền tảng dạy học online phổ biến để lựa chọn cho mình cái tên phù hợp nhất.