Công nghệ thông tin có vai trò như thế nào trong việc dạy học? Những lưu ý khi áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hiện nay, các nhà trường xem công nghệ thông tin như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc cải thiện chất lượng dạy và học. Cùng tìm hiểu vai trò và những lưu ý khi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

1. Thế nào là ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được hiểu đơn giản là: Nhà trường hay tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư thêm các trang thiết bị công nghệ, cơ sở vật chất ví dụ như: máy tính, máy chiếu, phần mềm giảng dạy,...ứng dụng vào việc dạy học của giáo viên và việc học tập của học sinh.

Ứng dụng công nghệ vào dạy học
Nhiều thiết bị công nghệ được ứng dụng vào dạy học.

Những thiết bị đó được sử dụng kết hợp với mạng lưới Internet để khai thác thông tin, kiến thức. Ngoài ra có thể giảng dạy trực tuyến hay xây dựng các bài giảng điện tử, giáo án điện tử có chất lượng trước khi truyền tải tới học sinh. 

2. Vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học 

Sau đây là những vai trò của công nghệ nói lên tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong dạy học: 

2.1. Thúc đẩy giáo dục mở

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp nền giáo dục được mở rộng hơn, giáo viên, học sinh có thể tiếp cận thông tin, kiến thức đa chiều. Mạng lưới Internet ứng dụng trong học tập giúp thu hẹp không gian học tập, rút ngắn khoảng cách. Ngoài ra, công nghệ thông tin còn tiết kiệm tối ưu thời gian, giúp con người phát triển nhanh hơn về tư duy, phát triển và đào sâu hơn nhiều nền kiến thức.

2.2. Cung cấp kiến thức đa dạng 

Trước đây, việc tìm kiếm tài liệu để thu thập kiến thức được cung cấp chính từ sách giáo khoa và các loại sách tham khảo. Để tìm kiếm được nội dung cần tìm thì phải tìm kiếm và đọc rất lâu. Hiện nay nguồn kiến thức được cung cấp trực tuyến rất đa dạng, hầu hết những cuốn sách hay đều có trên Internet, chỉ cần gõ từ khóa cần tìm là ra đa dạng kết quả kiến thức cần tìm. 

Công nghệ thông tin kết nối kiến thức
Công nghệ thông tin giúp kết nối giữa nhiều nguồn kiến thức.

Hơn thế nữa, nền giáo dục cần phải chuyển qua từ giáo dục thụ động sang chủ động tức là từ truyền thụ kiến thức thụ động sang phát triển năng lực mỗi cá thể. Theo đó, người học cần nâng cao tinh thần tự học và tự giải quyết vấn đề được đưa ra. Công nghệ thông tin đảm nhận vai trò cung cấp kiến thức, giúp người giảng dạy lẫn học viên tránh mất thời gian đi tìm tài liệu mà chỉ cần ngồi ở nhà tìm kiếm.

2.3. Tạo điều kiện để người học thích ứng nhanh với công nghệ trong tương lai

Nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, học sinh sẽ sớm được tiếp cận với thế giới công nghệ. Nhờ đó khơi gợi niềm đam mê học hỏi của các em về lĩnh vực này ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Tạo điều kiện cho các em chinh phục nền công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển trong tương lai. 

3. Giáo viên cần lưu ý gì khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học?

Giáo viên là người trực tiếp hướng dẫn, định hướng kiến thức. Vì vậy, giáo viên mang vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Vậy, giáo viên cần chuẩn bị những gì khi áp dụng công nghệ vào dạy học?

3.1 Tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn

Theo các thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT, tuy không yêu cầu cụ thể chứng chỉ nhưng trong nội dung thông tư, bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu giáo viên phải: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin”. Vậy, ít nhất giáo viên nên nâng cao năng lực tin học và công nghệ.

Khi đã có chứng chỉ tin học nhưng để ứng dụng vào việc thiết kế bài giảng là chuyện không hề đơn giản. Nếu giáo viên có thể tự tạo cho mình một giáo án điện tử riêng, việc dạy học lại rất thuận lợi, sinh động. Vậy để ứng dụng công nghệ trong bài giảng, giáo viên cần:

  • Sử dụng thành thạo máy vi tính.
  • Tăng cường tham khảo các bài giảng, kiến thức trên internet để xây dựng bài giảng chất lượng.
  • Ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giáo án, in ấn tài liệu.
  • Biết sử dụng phần mềm xây dựng bài giảng phù hợp với khả năng.
  • Biết cách sử dụng máy chiếu và các thiết bị hỗ trợ cần thiết khác.

3.2 Thiết kế bài giảng sinh động 

Khi đã có kiến thức tin học căn bản, việc quan trọng tiếp theo là ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ví dụ như sử dụng công nghệ vào việc soạn giáo án, thiết kế các bài giảng điện tử logic, sinh động, làm bật được những ý chính của từng phần kiến thức môn học. Ngoài ra bài giảng còn phải phù hợp với tâm lý, độ tuổi của học sinh. Hơn thế nữa, giáo viên cần biết cách kết hợp với các trang thiết bị sẵn có của nhà trường với bài giảng đã soạn để truyền tải kiến thức tốt nhất đến học sinh.

3.3 Kiểm soát lớp học tốt

Ưu điểm của ứng dụng công nghệ vào việc giảng dạy giúp học sinh hứng thú hơn đối với bài học. Tuy nhiên cũng có nhiều hạn chế từ việc tổ chức những buổi học có công nghệ. Ví dụ, trong lớp tin học mỗi em học sinh một máy tính, các em rất dễ làm việc riêng bởi nhiều chức năng của máy tính khiến các em tò mò. Vậy, tất cả những hoạt động học tập đều cần giáo viên - người trực tiếp quản lý tiết học kiểm soát, hướng các em tham gia tiết học một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất.

kiểm soát ý thức học tập
Cần chú ý kiểm soát ý thức học tập của học sinh trong tiết học.

4. Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng

Sau đây là một vài kinh nghiệm hữu ích khi sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học:

  • Nên thiết kế bài giảng điện tử phù hợp với mỗi bài khác nhau. Theo đó, một số bài giảng không thể học hoàn toàn toàn trên bài giảng điện tử mà có thể kết hợp linh hoạt với các bài thực hành thực tế để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nắm bắt kiến thức.
  • Không lạm dụng video, hình ảnh quá mức vào bài giảng tránh làm mất sự tập trung.
  • Không sử dụng quá nhiều hiệu ứng trình chiếu trong cùng một bài giảng.
  • Chọn hình nền, phông chữ đơn giản, dễ nhìn.
  • Kết hợp cả hai phương thức dạy học truyền thống bằng bảng đen vào những bài giảng có ứng dụng công nghệ.
  • Hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ thông tin bằng nhiều cách khác nhau. Cách nổi bật nhất là đưa ra bài tập và hướng dẫn học sinh thiết kế - làm bài có ứng dụng công nghệ thông tin, sau đó trình chiếu trước lớp.

Công nghệ thông tin đã mang lại nhiều hiệu quả trong giảng dạy. Để ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn nữa, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức, nhà trường, giáo viên lẫn học sinh. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về công nghệ thông tin trong giáo dục và vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

 

Xem thêm: Phương pháp dạy học tích cực là gì? 5 phương pháp dạy học tích cực phổ biến nhất