Thời điểm tốt nhất để bắt đầu dạy kỹ năng sống là độ tuổi tiểu học. Cùng tìm hiểu các kỹ năng sống cho trẻ tiểu học và tình huống trẻ cần được giáo dục.

 

1. Kỹ năng sống là gì?

Nói một cách dễ hiểu, kỹ năng sống là tập hợp những hành vi tích cực, thể hiện khả năng thích ứng với môi trường sống của mỗi cá nhân. Kỹ năng này được hình thành từ quá trình giáo dục hay những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống. Hiện nay, kỹ năng sống là một trong những kỹ năng quan trọng mà mỗi gia đình, nhà trường cần rèn luyện cho con em mình, đặc biệt trẻ ở bậc tiểu học.

Kỹ năng sống cho trẻ
Kỹ năng sống giúp trẻ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

2. Ý nghĩa của việc dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học

Ý nghĩa của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học rất lớn. Bởi lẽ, khi trở thành học sinh tiểu học, trẻ sẽ bắt đầu đi học và tiếp xúc với môi trường học tập mới, thầy cô, bạn bè mới. Hơn nữa, hoạt động học tập của trẻ ở thời điểm này cũng sẽ thay đổi. Thay vì chỉ vui chơi, khi bước vào giai đoạn này, trẻ phải dành thời gian học tập và rèn luyện thêm những kỹ năng khác. Vì vậy, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học đóng vai trò nền tảng, giúp trẻ thích nghi nhanh với môi trường tập thể mới, góp phần hình thành tính cách và tư duy giải quyết vấn đề khó khăn khi trẻ gặp phải. 

3. Các kỹ năng sống mà trẻ tiểu học cần được giáo dục

  • Kỹ năng quản lý cảm xúc: Phát triển trí tuệ cảm xúc tốt là tiền đề giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội và phát huy tốt khả năng học tập. Thầy cô và cha mẹ cần dạy trẻ cách nhận biết cảm xúc khi chúng xuất hiện và phân biệt các cảm xúc này với nhau. Từ đó, trẻ sẽ biết cách xử lý và quản lý cảm xúc cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

kỹ nắng Quản lý cảm xúc cho tiểu học
Quản lý cảm xúc là một kỹ năng quan trọng ở bậc tiểu học.

  • Kỹ năng tự phục vụ: Ở nhà, cha mẹ nên trang bị cho trẻ những kỹ năng đơn giản nhất như: tự vệ sinh răng miệng, tự nấu cơm, tự mặc quần áo, …Còn trên lớp, thầy cô nên dạy trẻ cách tự giác ăn uống, ngủ trưa đúng giờ và cách sắp xếp đồ dùng cá nhân sao cho hợp lý. Những việc trẻ có thể tự làm, hãy để các em tự làm, thầy cô và cha mẹ không nên quá bận tâm, chỉ nên giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn không thể tự mình giải quyết. 
  • Kỹ năng làm việc nhóm: Nhắc đến dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học, không thể không nói đến kỹ năng làm việc nhóm. Thầy cô nên đặt ra những tình huống giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học, dạy trẻ cách hợp tác với người khác và chịu trách nhiệm với những hành động của bản thân, hướng đến lợi ích chung của cả nhóm. Ngoài ra, làm việc nhóm sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian…
  • Kỹ năng tự bảo vệ bản thân: Phát hiện kẻ xấu và và hành động sai trái để bảo vệ bản thân là một trong những kỹ năng cần thiết, cần được trang bị cho trẻ. Thầy cô cùng cha mẹ nên đưa ra nhiều tình huống, phân tích hành vi của họ và giải thích cho trẻ hiểu đâu là người xấu, người tốt và dạy trẻ cách bảo vệ bản thân khi gặp những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống hàng ngày.
  • Kỹ năng giao tiếp: Có nhiều hình thức giúp trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình khác nhau như: Giao tiếp bằng lời nói, giao tiếp bằng hình thể, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp hằng ngày...Thầy cô và cha mẹ nên dạy các em áp dụng những hình thức khác nhau và những tình huống khác nhau để giao tiếp với người lớn, bạn bè và các em nhỏ. 

4. Một số tình huống giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học

4.1. Khi trẻ đi lạc

Trong trường hợp trẻ đi lạc, việc cung cấp thông tin như: số điện thoại bố mẹ, hoặc ông bà, địa chỉ nhà, … là cách để người xung quanh biết và giúp trẻ nhanh chóng tìm thấy người thân. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn, cung cấp thông tin này ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Đặc biệt, trong trường hợp bé bị kẻ xấu dụ dỗ, bé cần có kỹ năng cần thiết: kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cách xem bản đồ, liên hệ với người nhà...để thoát khỏi nghịch cảnh và an toàn trở về nhà.

ghi nhớ những thông tin liên hệ cơ bản
Giúp trẻ ghi nhớ những thông tin liên hệ cơ bản sẽ giúp trẻ trong tình huống đi lạc.

4.2. Khi trẻ gặp tình huống khẩn cấp

Cần giáo dục cho trẻ những kỹ năng cần thiết và cách áp dụng khi trẻ gặp những trường hợp sau:

  • Khi trẻ bị ngã gặp vài vết thương không đáng kể, hãy dạy trẻ cách xử lý vết thương cũng như trang bị những vật dụng cần thiết để tự chữa lành cho mình.
  • Khi gặp tình huống có người bị điện giật, trẻ cần đứng cách xa nguồn điện và gọi người trợ giúp, đặc biệt, cha mẹ cần dạy trẻ tránh xa những vật dụng nguy hiểm, nguy cơ cháy nổ cao: cầu dao, nguồn điện, ổ điện hở…
  • Ngoài ra, cha mẹ cũng nên giúp trẻ ghi nhớ số điện thoại cấp cứu, số điện thoại người thân cũng như cách ghi nhớ sự vật xung quanh nhà của mình.

4.3. Khi trẻ bị căng thẳng

Căng thẳng và lo âu ở lứa tuổi tiểu học rất nguy hiểm, vì các em còn nhỏ và không tự điều khiển cảm xúc của mình nên dễ gây ra các rối loạn về thể chất lẫn tinh thần. Thầy cô và cha mẹ phải tìm hiểu lý do vì sao trẻ lại có những biểu hiện căng thẳng như vậy để giải quyết vấn đề, giúp trẻ thoải mái hơn. Ngoài ra, giáo dục trẻ cách giải tỏa cảm xúc bằng những việc tích cực như: nghe nhạc, tâm sự với ba mẹ hoặc bạn bè cũng là những phương pháp hiệu quả.  

Trên đây là những kỹ năng cần thiết cũng như một vài ví dụ về tình huống dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học mà thầy cô và phụ huynh nên trang bị cho con em mình. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp cha mẹ và thầy cô có những thông tin bổ ích về cách dạy kỹ năng sống cho trẻ, giúp trẻ nhận thức và xử lý được khi gặp phải những tình huống nguy hiểm.

 

Xem thêm: Phương pháp dạy học tích hợp ở tiểu học: Những điều cần lưu ý