Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm có những ưu điểm gì? Cùng tìm hiểu yếu tố cần đảm bảo khi áp dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm.

 

1. Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm là gì?

Bản chất của phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm này là tạo ra môi trường học tập khác nhau bằng những hoạt động khác nhau, tạo điều kiện cho mỗi bé có cơ hội phát triển bản thân, đáp ứng tối đa nhu cầu và hứng thú của trẻ trong quá trình giáo dục. Ở cấp học mầm non, hoạt động chính của trẻ là “học mà chơi, chơi mà học”, vì vậy, giáo viên cần xây dựng đa dạng các hoạt động, giúp trẻ vừa lĩnh hội kiến thức xung quanh, vừa tạo hứng thú học tập cho trẻ.

Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm
Phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm giúp trẻ phát triển toàn diện.

Mục đích của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt: thể chất, trí tuệ, giúp trẻ mạnh dạn tự tin, khơi dậy và phát triển tài năng tiềm ẩn của trẻ. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, có điều kiện gia đình, môi trường sống, thể chất… khác nhau. Do đó, mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng và hứng thú học tập khác nhau. Dựa trên những yếu tố này, phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm được ra đời, đáp ứng nhu cầu khác nhau của mỗi học sinh.

2. Ưu điểm của phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm có rất nhiều ưu điểm, không chỉ với trẻ mà còn với giáo viên và phụ huynh.

2.1. Đối với trẻ

Theo chương trình giáo dục mầm non mới, dạy học lấy trẻ làm trung tâm tạo điều kiện cho mỗi em được nêu ra ý kiến của riêng mình, từ đó các em có khả năng tự phát triển bản thân, hứng thú hơn trong việc học tập.

Trẻ phát triển kỹ năng sống
Trẻ phát triển kỹ năng sống nhờ phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Thực tế, khi áp dụng phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã mở ra cho trẻ nhiều không gian học tập mới. Các ví dụ của lấy trẻ làm trung tâm như: Cho trẻ tự phát biểu cảm nhận qua bài học, đưa ra chủ đề gợi ý cho trẻ tự sáng tác thơ, ca, các bài hát, điệu múa, hay đơn giản là các thầy cô rèn luyện cho bé tính tự lập,...Nếu tạo nhiều cơ hội cho trẻ tham gia những hoạt động đó là các thầy cô đã giúp trẻ phát triển nhận thức, tư duy, tính sáng tạo. Ngoài ra còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, năng khiếu văn mỹ nghệ. 

2.2. Đối với giáo viên

Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, thiết kế các bài giảng phù hợp với từng đối tượng trẻ. Điều này giúp giáo viên nâng cao các kỹ năng, tác phong nghiệp vụ, thúc đẩy sự sáng tạo trong các hình thức tổ chức lớp học cho trẻ.

Ngoài ra, nhờ những hoạt động đa dạng này mà giáo viên có thể hiểu rõ tính cách của mỗi học sinh trong lớp, từ đó có những phương pháp dạy phù hợp với các bé hơn.

2.3. Đối với phụ huynh

Phụ huynh sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc dạy dỗ trẻ. Qua đó, phụ huynh sẽ hiểu được tầm quan trọng của phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và thay đổi cách dạy con tốt hơn, phù hợp với tính cách của mỗi bé.

3. Một số phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Trong giáo dục mầm non hiện nay, các biện pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được áp dụng phổ biến như:

  • Phương pháp Montessori: Đây là phương pháp giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và  và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, với tiến trình giáo dục dựa trên cảm giác của trẻ thông qua các hoạt động đặc biệt. Các bé được khuyến khích phát triển nghệ thuật ngôn ngữ bằng việc bày tỏ quan điểm, cảm xúc của bản thân bằng lời nói. Trẻ được học cách đánh vần chữ, số, ngữ pháp và kỹ năng viết đồng thời nhận biết các loại hình học thông qua các trò chơi thông minh.  
  • Phương pháp Reggio Emilia: Phương pháp này được phát triển bởi nhà Tâm lý học Loris Malaguzzi, dựa trên cách tiếp cận trẻ mầm non bằng những hình ảnh sinh động, cho phép trẻ được khám phá thế giới xung quanh. Nguyên tắc chính là cho trẻ tự xây dựng ý tưởng của riêng mình, giáo viên là người lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, khả năng của trẻ. Nhờ phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm này, trẻ có cơ hội thể hiện khả năng suy luận, óc sáng tạo của mình theo nhiều cách khác nhau.
  • Phương pháp Glenn Doman: Phương pháp dạy học này được nghiên cứu và phát triển bởi Giáo sư Glenn Doman cùng các cộng sự. Phương pháp này có thể áp dụng với trẻ từ 1 tháng tuổi - 6 tuổi, tài liệu học tập là những bộ thẻ thông minh tạo ra những kích thích về vận động và não bộ, giúp các bé phát triển trí não sớm.

Mặc dù các phương pháp có cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều có điểm chung là lấy trẻ làm trung tâm, tạo cơ hội cho trẻ tự do lựa chọn những bộ môn học tập, vui chơi mà trẻ yêu thích.

4. Yếu tố cần đảm bảo trong phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm cần đảm bảo hai yếu tố sau:

  • Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục trẻ, giúp trẻ phát huy những điểm mạnh, tôn trọng sự hứng thú và khả năng của từng trẻ. Hơn hết, gia đình và nhà trường cần có niềm tin và tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất giúp trẻ phát triển toàn diện.

cơ hội cho trẻ sáng tạo
Thường xuyên tạo cơ hội cho trẻ sáng tạo.

  • Hiện nay có nhiều phương pháp dạy học hiệu quả cho trẻ, trong đó các hoạt động vui chơi sáng tạo là hoạt động phổ biến nhất. Tuy nhiên, giáo viên cần lưu ý xây dựng hoạt động dựa trên những gì trẻ biết và có thể làm, cần có kế hoạch giáo dục phù hợp với mức độ phát triển của trẻ.

Hiện nay, phương pháp lấy trẻ làm trung tâm là một trong những phương pháp giáo dục của thời đại mới được nhiều trường học áp dụng. Để giúp trẻ phát triển tối đa khả năng của mình, điều quan trọng nhất chính là phụ huynh kết hợp với nhà trường để hiểu con em mình rõ hơn, từ đó áp dụng những phương pháp dạy học phù hợp.

 

Xem thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học và những điều cần lưu ý