Vai trò của biện pháp nâng cao chất lượng dạy học tiểu học là gì? Tham khảo một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học dành cho giáo viên tiểu học sau đây.

 

1. Vai trò của biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ở tiểu học

Như chúng ta đã biết, khoa học và công nghệ ngày càng phát triển và đổi mới liên tục. Trước thực tiễn đó hệ thống giáo dục cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng tích cực, góp phần đưa đất nước bắt kịp xu hướng toàn cầu. 

Nâng cao chất lượng giáo dục - dạy học tích cực
Nâng cao chất lượng giáo dục là điều cần thiết hiện nay.

Trong nền giáo dục quốc dân, cấp tiểu học được coi là nền tảng, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành cơ sở cho sự phát triển lâu dài, đúng đắn về đạo đức, trí tuệ, phẩm chất cũng như các kỹ năng mềm khác. Vì vậy, biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ở tiểu học có thể coi là bước đi đầu tiên phong cho một nền giáo dục mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước.

2. Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ở tiểu học

Căn cứ vào thực tiễn hiện nay, bài viết xin đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc tiểu học như sau:

2.1. Biện pháp về xây dựng đội ngũ tập thể sư phạm

Trường học là nơi ươm mầm của những thế hệ tương lai, là nơi giáo dục và đào tạo những nhân tài của đất nước. Mà ở đó, giáo viên đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia giảng dạy giúp học sinh phát triển đầy đủ cả về trí tuệ, hiểu biết lẫn nhân cách, lối sống. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ tập thể sư phạm vững mạnh là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi nhà trường. 

Trước tiên, mỗi thầy cô giáo cần tự mình tìm hiểu, nâng cao trình độ sư phạm. Mỗi giáo viên cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi tư duy; tích cực đọc sách báo, tài liệu chính trị, pháp luật, áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy hướng tới đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất.

Tiếp theo, về phía nhà trường cần phân công chuyên môn phù hợp với năng lực của từng giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Đi kèm đó là công tác kiểm tra - đánh giá chất lượng giáo dục. Từ đó, mỗi thầy cô sẽ rút ra những bài học cho bản thân; nhà trường kịp thời đánh giá và có kế hoạch bồi dưỡng năng lực giáo viên.

Ngoài ra, nhà trường nên có chế độ tùy thuộc vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo quyền lợi cho mỗi giáo viên.

2.2. Biện pháp về hoạt động giảng dạy của giáo viên

 - Xây dựng kỷ cương, nề nếp trong hoạt động giảng dạy của giáo viên: 

 Mỗi nhà trường nên xây dựng một quy chế chuyên môn giúp đánh giá quá trình lao động của mỗi thầy cô, đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy. Hơn nữa, nhà trường nên phát động những phong trào như: “Thi đua Dạy tốt - Học tốt”, nhà giáo trẻ tương lai,… nhằm kích thích tinh thần trau dồi, học hỏi của mỗi thầy cô.

 - Thực hiện chương trình và kế hoạch giảng dạy: 

 Việc tổ chức thực hiện chương trình và xây dựng kế hoạch giảng dạy là cơ sở quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường. Vì vậy, Hiệu trưởng cần phối hợp với các tổ chuyên môn, căn cứ vào đặc điểm tình hình để xây dựng khung kế hoạch sao cho vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo yêu cầu của Bộ Giáo dục.

chương trình giảng dạy mới
Giáo viên cần thực hiện chương trình giảng dạy theo đúng kế hoạch.

 - Thiết kế bài giảng, chuẩn bị đồ dùng lên lớp: 

 Một giờ học hiệu quả là khi nó được thực hiện trên một kế hoạch được thiết kế cụ thể, rõ ràng; phương pháp dạy học phù hợp với thời gian và đối tượng người học, giúp khắc sâu kiến thức được hình thành cho học sinh. Vì vậy, việc thiết kế bài giảng có vai trò quan trọng, vừa giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, công sức; vừa đạt được mục tiêu đã đề ra.
 - Thực hiện giờ lên lớp: 

 Hiện nay, quá trình dạy học ở cấp tiểu học chủ yếu diễn ra trong lớp học. Giờ lên lớp quyết định chất lượng dạy học, đồng thời thể hiện rõ năng lực và trình độ của giáo viên. Vì vậy, giáo viên cần tự xây dựng nề nếp, kiểm soát giờ học bằng thời khóa biểu, thực hiện chương trình đảm bảo đúng chuyên môn, tránh trường hợp bỏ lớp.

2.3. Biện pháp về thực hiện hoạt động học tập của học sinh

 - Xây dựng nề nếp, kỷ cương trong hoạt động học tập của học sinh: 

 Ở cấp tiểu học, việc xây dựng nề nếp, kỷ cương có vai trò quan trọng, là điều kiện để thực hiện giảng dạy cũng như giáo dục ý thức của học sinh, góp phần xây dựng, hình thành nhân cách ở học sinh.
 - Tổ chức phối hợp các hoạt động học tập, bồi dưỡng và phụ đạo kịp thời

 Ngoài giờ học lý thuyết trên lớp, giáo viên cần phối hợp với cha mẹ, nhà trường cũng như chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa văn nghệ, giúp các em phát triển toàn diện cả về đạo đức, lối sống cũng như kiến thức văn hóa thông thường. Ngoài ra, giáo viên cần nắm rõ năng lực học tập của từng em, từ đó có biện pháp phụ đạo kịp thời, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Những hoạt động ngoại khóa giúp trẻ phát triển toàn diện
Những hoạt động ngoại khóa có vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho trẻ.

 - Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội: 

Đây là mối quan hệ chặt chẽ, không thể thiếu trong các nhà trường phổ thông, đặc biệt ở cấp Tiểu học. Văn hóa và sự quan tâm của gia đình là nền tảng quan trọng hình thành một cộng đồng văn minh. Vì vậy, giáo viên với vai trò là cầu nối, cần tìm hiểu tâm tư, thấu hiểu học sinh nhằm đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất, hiệu quả nhất.

2.4. Biện pháp về kiểm tra, đánh giá

Kiểm tra, đánh giá là khâu quan trọng, quyết định hiệu quả giảng dạy của giáo viên. Vì vậy, mỗi thầy cô cần nghiêm túc, khách quan đánh giá, nhận xét học sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng cần có kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh thường xuyên và theo từng thời điểm để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất.

Trong thời kỳ đất nước đổi mới, giáo dục cần có những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Chính vì vậy, mỗi giáo viên cần có những kế hoạch dạy học, phương pháp tổ chức giảng dạy phù hợp để mang lại hiệu quả học tập tốt nhất cho học sinh.

 

Xem thêm: Những lưu ý khi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học