Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học là gì? Cùng tìm hiểu những điều cần lưu ý khi áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm.

Phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học mang lại rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Học tập theo nhóm tạo môi trường tốt giúp các em có thể học hỏi lẫn nhau, rèn luyện tính tự giác, khả năng giao tiếp trong một tập thể. Đối với học sinh tiểu học, việc tổ chức học tập theo nhóm là hết sức cần thiết. Vậy phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học là gì? Có những ưu điểm nhược điểm nào? Cùng tham khảo những kinh nghiệm khi áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học  

1. Phương pháp dạy học theo nhóm là gì?

Khái niệm dạy học tích hợp theo nhóm là một trong những hình thức giảng dạy hướng học sinh vào môi trường học tập tích cực. Khi áp dụng phương pháp dạy học này, học sinh được chia theo từng nhóm nhỏ, thầy cô sẽ đưa ra từng chủ đề và việc của mỗi nhóm là cùng nhau nghiên cứu giải quyết chủ đề mà giáo viên đã đặt ra. 

Phương pháp dạy học theo nhóm tiểu học
Phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học giúp học sinh tương tác lẫn nhau.

Ở tiểu học, phương pháp dạy học theo nhóm được các thầy cô áp dụng đối với những bài học khó, có nội dung dài. Ví dụ: Một bài văn có nhiều biện pháp tu từ và hàm chứa nhiều ý nghĩa, việc phân chia để tìm hiểu bài văn đó là rất cần thiết đối với học sinh tiểu học. Thông qua phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học, các em sẽ được trao đổi, học hỏi lẫn nhau góp phần nâng cao chất lượng học tập. 

2. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp dạy học theo nhóm

2.1. Ưu điểm

  • Giúp quá trình giảng dạy hiệu quả hơn: Phương pháp làm việc nhóm ở tiểu học là một phương pháp dạy học theo hướng tích cực, rất phù hợp với các em học sinh tiểu học. Thay vì giáo viên là người trực tiếp giảng dạy toàn bộ bài học, việc chia nhỏ cho mỗi nhóm học sinh một vấn đề trong bài học để tìm hiểu sẽ giảm áp lực và thời gian giảng dạy cho giáo viên. Đặc biệt, tổ chức dạy học theo nhóm giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn bằng cách giáo viên gợi ý cho mỗi nhóm tự tìm hiểu, thảo luận vấn đề giúp các em đào sâu hơn vào ý chính của bài. Cuối cùng, giáo viên sẽ lắng nghe, nhận xét và bổ sung những ý còn thiếu. 

học sinh rèn luyện kỹ năng thuyết trình
Học tập theo nhóm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng thuyết trình hiệu quả.

  • Rèn luyện kỹ năng thuyết trình: Phần không thể thiếu trong phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học là giúp học sinh tăng khả năng thuyết trình giữa đám đông. Từng thành viên sẽ được đứng trước lớp và trình bày về phần mà mình tìm hiểu, giúp các em mạnh dạn hơn và có nhiều kinh nghiệm giải thích một vấn đề trước đám đông. 
  • Nâng cao kỹ năng giao tiếp cho học sinh: Lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi hiếu động và thích tranh luận, thông qua việc thảo luận trong nhóm sẽ tạo cơ hội cho các em đưa ra ý kiến riêng của mình từ đó mỗi em sẽ quen dần với sự phân công hợp tác trong một tập thể. Ngoài ra các em sẽ rèn luyện được khả năng biện luận khi xảy ra trường hợp có nhiều ý kiến trái chiều để nêu bật được ý kiến của riêng mình. 
  • Giúp học sinh chủ động học tập: Thay vì các em thụ động tiếp thu kiến thức từ thầy cô qua những tiết học thông thường thì khi tổ chức học nhóm, mỗi thành viên có thể sẽ được giao nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy cá nhân nào cũng phải chủ động tìm câu trả lời để nâng cao kết quả làm việc nhóm. Ngoài những ý kiến riêng của bản thân, các em còn học tập được nhiều ý tưởng từ các bạn khác trong nhóm, từ đó đúc kết kiến thức và ghi nhớ lâu hơn. 

2.2. Nhược điểm

  • Áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học có thể gây ồn ào và khó kiểm soát vì lứa tuổi các em còn nhỏ. 
  • Trong nhóm sẽ có những học sinh tích cực và tồn tại một vài học sinh có tâm lý ỷ lại vào các bạn, gây khó khăn trong việc đánh giá năng lực học sinh.
  • Đôi khi học sinh chỉ chú ý vào phần vấn đề bài học của nhóm mình mà quên đi những phần bài của nhóm khác khiến học sinh không tiếp thu đầy đủ kiến thức của toàn bộ bài giảng.

3. Kinh nghiệm áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học

3.1. Chuẩn bị hệ thống câu hỏi hợp lý

Khi phân chia bài giảng để phục vụ mục đích tổ chức hoạt động nhóm, giáo viên nên đặt những phần kiếm thức nổi bật, quan trọng thành những vấn đề cần giải quyết và giao cho mỗi nhóm. Nên chú ý những câu hỏi mang nội dung và độ khó tương tự nhau. 

3.2. Phân chia nhóm phù hợp

Việc thầy cô dạy học hợp tác nhóm cho học sinh tiểu học cần lưu ý phân chia các thành viên trong nhóm hợp lý. Thường những em chơi thân với nhau sẽ tự chọn xếp theo cùng một nhóm, nhưng thầy cô cũng phải căn cứ vào năng lực học tập của mỗi em để phân chia đều tỉ lệ các em học giỏi, trung bình - khá để đáp ứng hiệu quả trong việc thảo luận nhóm. 

hiệu quả trong việc thảo luận nhóm.

3.3. Hướng dẫn học sinh trước khi tổ chức thảo luận 

Để các nhóm đi vào thảo luận nghiêm túc và khoa học, trước khi học sinh thảo luận giáo viên nên áp dụng một số biện pháp dạy học theo nhóm để hướng dẫn, nhắc nhở các em cách thức thảo luận thế nào cho hiệu quả. Cụ thể như: bầu ra nhóm trưởng chỉ đạo phân công cho mỗi thành viên trong nhóm, thư ký ghi chép lại toàn bộ ý kiến của thành viên và quan trọng nhất là quy định thời gian cụ thể để các nhóm chú tâm vào làm việc. Cuối cùng là đưa ra phần thưởng cho nhóm nào có kết quả tốt nhất giúp kích thích tính cạnh tranh của học sinh. 

3.4. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhóm

Trong quá trình thảo luận của mỗi nhóm, giáo viên nên quan sát và nhắc nhở những em không chú tâm tham gia hoặc những em làm việc riêng khác. Ngoài ra, để tránh việc các em chỉ chú trọng tìm hiểu vào vấn đề của nhóm mình thì lúc tất cả các nhóm thuyết trình, giáo viên nên đưa ra quy định mỗi nhóm khác phải đặt ít nhất một câu hỏi và có nhận xét về nhóm khác để đảm bảo các em có theo dõi phần thuyết trình của các nhóm bạn. 

3.5. Tổ chức đánh giá, khen thưởng sau tiết học

Để tạo không khí cạnh tranh tích cực cho học sinh, sau khi hết thời gian thảo luận giáo viên nên tổ chức cho các nhóm báo cáo quá trình thảo luận nhóm, nhận xét và đánh giá kết quả của từng thành viên trong nhóm một cách công bằng và khách quan từ đó đưa ra điểm khen thưởng để khích lệ cho các em vào những lần tổ chức học nhóm tiếp theo.

Áp dụng một số biện pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học là một hình thức dạy học mới. Giáo viên kiểm soát tốt lớp học sẽ giúp các bài giảng được tổ chức hiệu quả, giúp học sinh tiếp thu nhiều kiến thức và phát triển nhiều kỹ năng quan trọng khác. Hy vọng những thông tin về phương pháp dạy học theo nhóm ở tiểu học trên sẽ giúp các thầy cô tổ chức lớp học hiệu quả.

 

Xem thêm: Top phiếu bài tập toán lớp 1 hay nhất